Khái niệm về ủ tóc
Ủ tóc là bước cuối trong quy trình 3 bước chăm sóc tóc cơ bản: gội, xả và ủ. Dưỡng chất trong lớp kem ủ sẽ dần nuôi dưỡng mái tóc bình thường/hư tổn, trở nên suôn mềm. Có thể ủ tóc 1-2 lần/tuần để giúp cho mái tóc liên tục được bảo vệ.
Tại sao cần ủ tóc ?
Người xưa thường nói “Cái răng cái tóc là góc con người”, mái tóc suôn mượt chắc khoẻ sẽ tôn lên vẻ đẹp và phong cách riêng cho mỗi chúng ta, đặc biệt là chị em phụ nữ. Tuy nhiên hiện nay mái tóc đang phải chịu không ít những tác động từ môi trường bên ngoài như: nắng, gió, bụi bẩn lẫn các yếu tố từ bên trong cơ thể như: căng thẳng/stress, thói quen sinh hoạt, ăn uống thiếu khoa học, thức khuya, lạm dụng rượu bia, thuốc lá,… Đặc biệt chị em thường xuyên sấy tóc; dùng dụng cụ nhiệt để tạo kiểu tóc; sử dụng các hóa chất làm tóc như: uốn, duỗi, nhuộm… thì nguy cơ tóc hư tổn càng nghiêm trọng hơn, khiến tóc trở nên xơ rối, chẻ ngọn và gãy rụng. Do đó, việc ủ tóc để bổ sung dưỡng chất cũng như tái tạo phục hồi cho mái tóc là điều thực sự cần thiết.
Hướng dẫn cách ủ tóc đúng cách tại nhà
Để việc ủ tóc đạt hiệu quả tốt nhất bạn đừng quên lưu ý đến những bước sau:
1. Chọn kem ủ tóc phù hợp
Trước khi ủ tóc, bạn cần xác định chính xác tình trạng tóc của bản thân cũng như da đầu thuộc loại da dầu, khô hay nhạy cảm để chọn kem ủ tóc hay tự làm mặt nạ ủ tóc từ thiên nhiên phù hợp, từ đó hiệu quả đạt được sẽ tốt hơn.
2. Gội đầu trước khi ủ
Nhiều chị em thường nghĩ rằng không cần gội đầu trước khi ủ tóc mà để ủ tóc xong gội 1 thể, đây là suy nghĩ hết sức sai lầm. Mái tóc bẩn sẽ không thể hấp thụ hết các dưỡng chất có trong kem ủ, thậm chí còn phản tác dụng khiến tóc trở nên bết dính, nhờn rít, đồ dầu nhiều hơn.Do đó, hãy gội đầu thật sạch với dầu gội thường dùng, lấy khăn bông mềm lau nhẹ bớt nước rồi mới tiến hành thoa kem ủ.
3. Thoa kem ủ
Khi thoa kem ủ bạn có thể chia tóc ra thành nhiều phần, ở mỗi phần bạn tiến hành thoa đều một lượng vừa đủ từ gốc đến ngọn, chú ý thoa kỹ phần ngọn tóc vì đây là nơi ít nhận được chất dinh dưỡng và dễ hư tổn nhất. Nếu da đầu của bạn thuộc tuýp da dầu, nhạy cảm nên tránh thoa trực tiếp sản phẩm lên da đầu mà nên để cách chân tóc một chút..
4. Tiến hành ủ tóc
Sau khi bôi kem ủ tóc, bạn quấn toàn bộ tóc lại bằng khăn bông sạch hoặc chụp ủ tóc chuyên dụng. Việc làm này sẽ giúp biểu bì tóc mở ra và dưỡng chất dễ dàng thấm sâu vào bên trong hơn.
Thời gian ủ thông thường từ 10-30 phút, tùy thuộc vào loại sản phẩm và sức khỏe của mái tóc. Do đó, bạn nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng để tránh việc ủ tóc quá lâu sẽ khiến tóc bị nhờn, bết dính, thậm chí gây rụng tóc.
5. Xả tóc
Sau thời gian ủ tóc, bạn chỉ cần xả tóc thật sạch với nước mát mà không cần dùng thêm dầu gội. Cuối cùng, chỉ cần thấm bớt nước trên tóc bằng khăn sạch và để tóc khô tự nhiên.
Hi vọng với những chia sẻ trên sẽ giúp bạn có được những kiến thức hữu ích trong việc chăm sóc mái tóc của mình.
H. N. EVL